Ngoại

Cha cùng anh đi trên con đường hẹp phủ lớp xi măng mỏng bám đầy rêu xanh. Xung quanh phủ đầy cỏ mọc. Mùi bùn đất nâu hăng cuộn chảy theo dòng sông. Tịch mịch vây kín không gian, tiếng chim phát ra từ tàng cây nào không rõ, không còn tiếng xe chạy, sự thiếu vắng tiếng người cười nói ồn ào, lấp đầy trong lòng là nỗi nhớ về những điều đã qua. 


Cha đi trước, anh đi sau. Xung quanh cảnh quan đã thay đổi thật nhiều. Vẫn bờ nước ấy, vẫn thửa đất ấy. Nhà ngoại vẫn chính xác như bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Nhưng tất cả đã đồng thời thay đổi. Từ tốn nhưng kiên định. Giây phút này, đã là một thực tại mới.


Khi còn bé, anh nhớ con đường vào mảnh đất rộng nhà ngoại, là con đường đất giữa hai bờ mương. Đường đi trơn trượt giữa hai hàng dừa mỗi khi mưa. Mẹ dạy anh cách dùng ngón cái, bám chặt vào đất mỗi khi đi. Qua cây cầu tre nhỏ, mà hôm nay đã thay bằng cầu bê tông, đi một đoạn ngắn là đến nhà. Ngày xưa con đường này vốn ít đi. Mẹ hay kể thế. Thời mà dân miền Tây đi bằng ghe thuyền, thì nhà ngoại ngay sông lớn chẳng mấy ai đến nhà bằng đường bộ thế này.


Trong ký ức non nớt thuở thiếu thời, anh vẫn còn nhớ những chuyến ghe đêm về thăm ngoại. Chuyến ghe băng qua vùng nước tối, bên trong sáng bóng đèn vàng lơ lửng. Anh cầm trên tay nhiều cúc áo đầy màu sắc như món đồ chơi nhỏ. Vài cúc áo trượt khỏi tay, rơi xuống sàn khe nhỏ. Ghe lắc lư theo sóng. Nước ở lòng ghe cũng sóng sánh. Qua sàn gỗ thưa, anh bất lực nhìn hạt cúc của mình võng từ mạn này sang mạn khác. Mẹ đang mải nói chuyện với họ hàng quen. 

Rồi ghe đến, giữa màn đêm tối. Không rõ cách nào mà mẹ định hình. Rồi mẹ bồng anh, nhảy một bước lên bờ. Băng qua bờ mía đã thu hoạch chỉ còn đầy lá lấp nơi hàng mương đi vào nhà ngoại. Hay lúc tờ mờ sáng, mẹ bồng anh từ nhà ngoại về lại thị xã. Anh nhớ ngoại đưa mẹ bó đuốc cuộn bằng lá dừa khô, mẹ bồng anh đi một đoạn thì bó đuốc tắt mất. Mẹ huơ huơ tay, đốm lửa bay chập choạng trong đêm, đuốc sáng lên được một đoạn. Hành trình cứ thế đến khi lửa tắt hẳn, chỉ còn có thể dựa vào trí nhớ và đôi mắt quen màu của đêm.


Tối hôm nay, đoàn người cũng thắp lên đoạn đường cuối cùng tiễn ngoại đi bằng ánh đuốc.


Cha cùng anh đi trên con đường hẹp phủ lớp xi măng mỏng bám đầy rêu xanh mà ngày xưa đấy ít người qua lại. Ngày hôm nay bỗng trở về ngày xa xưa. Con đường này rồi cũng sẽ chẳng còn nhiều dấu chân người đi lại. Anh nhớ ở bờ bên trái, ngày xưa khi còn bé, là hai cây mận trắng to, chìa ra ao. Mỗi khi về anh vẫn hay cùng anh chị em họ ra hái. Trái đôi khi ngọt,  mà có rất nhiều sâu. Chẳng mấy khi ăn được, nhưng lúc nào cũng muốn hái cho kỳ được. Đi sâu vào vườn một đoạn, là đến mấy cây xoài to. Trái nặng trĩu cành, đầy vết chim ăn. Anh không thích xoài cho lắm, nên anh chú tâm vào cây mận trắng trĩu quả nhiều hơn.


Đi qua hai cây mận, là đến khoảng sân bao quanh bởi bóng dừa. Anh còn nhớ khoảng sân này tụi anh chơi bi, hay ngồi lên mo cau kéo nhau đi vòng quanh. Mấy hòn bi mà anh hay giấu trong hộp trà cha mang về, đánh một tí là hết. Ở quê, cách chơi của bọn con nít khác hẳn với cách tụi anh chơi ở thị xã, cả cách đếm bi cũng khác (Với tụi anh, mỗi hòn bi mang giá trị khác nhau. Bi sữa thì bằng 5 viên bi thường. Bi trong suốt thì bằng 10 viên. Kiểu như thế). Anh chơi với mọi người ở quê thì toàn thua. Chẳng phải do luật chơi khác mà là mọi người chơi xịn hơn nhiều. 


Rồi bọn con nít còn chơi trốn tìm. Ở nhà quê, vườn rộng bát ngát, chơi tìm đến mệt. Rồi bọn anh ra hàng ba đầu nhà, nhìn ra sông, cây dừa nước mọc hết cả bên bờ, chơi cá sấu lên bờ. Chiều, tụi anh sẽ nhảy xuống sông tắm. Anh nhớ mãi hôm cha với anh, Hải với cha Hải, ở con sông trước nhà, ném bùn nhau chí chóe. Mẹ thì đứng ở trên bờ vừa trông chừng vừa cười cha con anh. Hôm nước cạn, anh còn có dịp lội xuống bùn, đi bắt hàu. Vô vàn hàu nằm sâu trong bùn, cứ bốc một nhúm bùn lên, lẩy lẩy tay vào khe nước nhẹ còn chảy giữa dòng, là vô vàn hàu hiện ra. Con sông này cũng là con sông đầu tiên, khi anh vừa học bơi xong, đã bơi qua bơi lại hai bên bờ. 

Lúc đấy, nhà vẫn còn nhiều ghe. Ghe lớn chạy máy dầu để đánh cá, ghe nhỏ chạy bằng máy đuôi tôm để đi đóng đáy. Anh có lần được đi cùng bà ra đáy của nhà, ra tận sông lớn. Lúc đấy anh mới biết con sông trước nhà bé xíu. Có con sông khác còn to lơn, nước chảy xiết, đáy to hơn và nhiều tôm cá hơn. Ngồi trong lòng ghe, anh cảm nhận được dụng sức của bà và mẹ, chèo qua con sóng to. Bụng anh co thắt lại, nén hơi thở lại thật nhẹ. Anh tập trung vào con thuyền trước sóng. Làm như thế, anh thấy mình phần nào làm con thuyền nhẹ hơn chút đỉnh.


Những ngày xưa là những ngày đầy nắng. Ký ức nào của anh về ngoại cũng nhiều nắng. Gian nhà khi nào cũng đầy ắp người. Tiếng người cười nói, uống rươụ, trêu chọc nhau. Cây nhãn trước nhà lúc nào cũng ra những chùm đầy quả. Màn đêm thì ngược lại, đáng sợ và tăm tối, leo lét đèn dầu, tiếng côn trùng, ếch nhái và muỗi bay. Các anh chị họ chụm vào nhau học bên mấy ngọn đèn dầu. Mỗi khi muốn đi tè, anh đều phải nhờ mẹ dắt ra ngoài.


Căn nhà cũ trước đây đã nổ tan tành do bom đạn. Nơi ngôi nhà ấy từng tồn tại biến thành một chiếc ao sâu. Ngôi nhà bà hiện tại, được xây lên sau đấy, đến giờ đã mấy chục năm. Nằm lọt thỏm giữa sông nước và hàng cây, căn nhà gạch với gỗ quý chở từ rừng về của ngoại, với bồ lúa to trong nhà là vốn quý của ngoại, vất vả cả đời dựng nên. Từ khi mất tất cả với chín người con cần nuôi nấng, đến khi cơ ngơi phục hồi, không biết bao nhiêu mồ hôi ngoại đã đổ. 


Ông từng tù tội vì chứa Việt Cộng. Bà từng một mình nuôi hết những người con. Thương tất cả và tằn tiện cho tất cả. Anh chưa bao giờ thấy bà xài đồng nào hoang phí, chưa bao giờ nghe kể bà mua gì mà không trả giá, chưa bao giờ thấy bà vất đi đồ vật nào, chưa thấy ngày nào bà không lo cho đàn gà vịt, chưa ngày nào không thăm chăm vườn tược. Mỗi khi ai cần tiền, bà luôn là người cho. Anh chưa thấy ai trong đời cực khổ như bà anh. 


Ông của anh thì hiền lành và ít nói. Ông không bao giờ ăn tôm cá, ông chỉ ăn thịt. Ông đã có giai đoạn dài chỉ ăn tôm cá. Chán đến mức ông thề không bao giờ ăn cá nữa. Trong suốt ký ức của anh về ông, thì ông chỉ ăn mỗi thịt. Ông ít nói là thế, nhưng anh nhớ đến ông như một người can đảm. Lần đấy, anh bé tí, nhà có đám tiệc. Đám đàn ông có việc gì cãi nhau to. Anh nhớ ông cùng một anh nữa, ra vườn đứng, tay cầm dao. Đối diện là một đám đông những gã đàn ông khác. Trận chiến không xảy ra. Nhưng trong mắt anh ông luôn là một người can đảm. Lúc già đi, ông lại sống với đôi mắt thật hiền và im lặng, nằm trên võng, rơi nước mắt buồn mỗi khi chúng anh rời đi sau cuối ngày lễ giỗ.


Hai năm trước, ông mất. Một ngày trước sinh nhật anh. Khi hay tin, anh đang không ở Việt Nam. Lúc đấy, anh muốn bay về ngay cũng không được. Chiều hôm anh về đến thì tối chôn ông. Anh sụp xuống lạy ông, nước mắt anh thì đã nằm ở Sài Gòn. Giờ thì không khóc nữa. Anh nhìn gương mặt bà tôi và mẹ tôi. 


Việc ông mất, bi ai như tất thảy mọi cái chết, vốn không thể tránh khỏi. Ông đã yếu, ông phải đi thôi. Nếu còn sức, anh nghĩ ông sẽ nói vậy. Nhưng khi sống, ông vốn cũng kiệm lời. Anh nghĩ rằng ông vẫn sẽ chẳng nói năng chi. Chỉ yên lặng và ra đi như tính ông vẫn thế. 


Bà ngoại thì mạnh mẽ cứng rắn lắm. Cha đã bảo tôi thế, qua điện thoại tiếng được tiếng mất. Lúc gặp bà, bà nói anh mấy câu. “Ông mày mới đó, mà đã nghìn thu tiễn biệt. Ở đây ngoại thắp nhang, niệm Phật, nuôi gà.” Bà, sau cái chết của ông, khước từ hết lời con cái khi ai cũng xin bà dọn về ở cùng. Bà vẫn bám trụ căn nhà đã cũ, một mình. Căn nhà mà trong hồi ức, đã từng rất đông vui và nhộn nhịp, ngay đầu con sông cái, giờ chỉ còn hương nhan, tiếng niệm Phật và tiếng gà.


Rồi hôm nay, đến lúc bà ra đi, sau hai năm, cũng vào tháng mười một. 


Cha cùng anh đi trên con đường hẹp phủ lớp xi măng mỏng bám đầy rêu xanh. Căn nhà đã hiện ra trước mắt. Ủ dột và nát tan. Cỏ hoang mọc đầy. Căn nhà xơ xác. Bùn đất lấp đầy. Có lẽ đây là lần cuối anh còn được nhìn thấy căn nhà này. Ngoại mất, anh thấy mình chẳng còn quê hương để trở về. 


Căn nhà, sẽ không còn ai nhang thắp, không còn tiếng niệm Phật, và chẳng còn tiếng gà. Lũ chó đi đâu anh không thấy. Sông từ lâu không còn thấy ghe thuyền. Chỉ có nhiều cánh bướm bay trong không trung. 


Ngước lên trời, nhắm mắt, mùi cây cỏ, sông nước, bùn đất, mùi của tiễn ly, của tâm hồn phơi cạn, hòa quyện lại, chảy thành dòng nước mắt.

1 thought on “Ngoại

Leave a comment